Trào ngược dạ dày – thực quản
Bài viết được chia sẻ bởi, chuyên gia y tế Nguyễn Linh – giảng viên Cao đẳng Dược, Trường Cao đẳng Y dược Pasteur cs TPHCM.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch dạ dày trào ngược lên thực quản, có thể gây ra các triệu chứng trên thực quản hoặc nếu bệnh kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng như: viêm thực quản, hẹp thực quản, thực quản Barrett và thậm chí ung thư biểu mô tuyến thực quản. Đây là bệnh khá phổ biến và ngày càng có xu hướng gia tăng
Bệnh trào ngược dạ dày- thực quản có triệu chứng điển hình là ợ nóng, ợ trớ, nóng rát ngực, cảm giác vướng họng, ho dai dẳng, cảm giác nghẹn thở, ho sau khi ăn hoặc sau khi nằm, nuốt nghẹn, vướng đờm trong họng, đằng hắng, khàn tiếng hoặc có thay đổi về giọng nói…các triệu chứng đặc trưng của bệnh đường tiêu hóa.
Trào ngược dạ dày- thực quản gây nên những biến chứng gì?
Mặc dù đáp ứng tốt với việc điều trị nội khoa tuy nhiên bệnh dễ tái phát. Khoảng 68% bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản bị tái phát trong vòng 1 năm.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản không được điều trị triệt để sẽ dẫn đến biến chứng: viêm thực quản (xảy ra ở khoảng 50% bệnh nhân), hẹp thực quản, thực quản Barrett (chiếm 8-15% bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản) và ung thư biểu mô tuyến thực quản.
- Người bệnh viêm thực quản thường có biểu hiện: đau họng, khó nuốt, nuốt đau, ho, chán ăn…
- Thực quản Barrett được cho là do trào ngược mãn tính của dịch dạ dày vào thực quản, làm biến đổi môi trường ở thực quản, gây ra tình trạng chuyển sản và nghịch sản ở niêm mạc thực quản. Người bệnh bị thực quản Barrett cần được điều trị tích cực và theo dõi sát. Bởi vì thực quản Barrett kèm với chuyển sản ruột, nghịch sản có tiềm năng ác tính và là một yếu tố nguy cơ cho sự phát triển của ung thư biểu mô tuyến thực quản.
- Tỷ lệ bệnh nhân thực quản Barrett diễn tiến thành ung thư biểu mô tuyến thực quản là 0,5% đối với nhóm thực quản Barrett không có nghịch sản, 10% đối với nhóm thực quản Barrett nghịch sản mức độ thấp, 40% đối với nhóm thực quản Barrett nghịch sản mức độ cao.
- Ung thư thực quản là bệnh mà khối u ác tính đã xuất hiện từ các tế bào biểu mô của thực quản làm cho các tế bào phân chia không theo cấu trúc của cơ thể, tạo nên các khối u.
Bệnh nhân trào ngược dạ dày- thực quản cần lưu ý gì?
Chuyên gia y tế Phương Lâm – giảng viên Cao đẳng Dược, Trường Cao đẳng Y dược Pasteur cs TPHCM chia sẻ một số lưu ý đối với bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản tại tin tức y tế như sau:
Bệnh nhân trào ngược dạ dày- thực quản cần lưu ý gì?
- Người bệnh trào ngược dạ dày- thực quản cần tránh một số yếu tố nguy cơ, thúc đẩy bệnh trào ngược dạ dày thực quản như: Rượu bia, thuốc an thần, cà phê, sôcôla, bữa ăn nhiều chất béo.
- Hạn chế đồ ăn cay nóng gây kích thích dạ dày như tỏi, ớt, tiêu, gừng..
- Người bệnh cũng cần tuân thủ điều trị tốt, uống thuốc đúng giờ (thường uống trước bữa ăn đầu tiên trong ngày) và đúng theo chỉ định của bác sĩ.
- Nhiều báo cáo ghi nhận việc giảm cân làm giảm thời gian tiếp xúc của thực quản với acid dạ dày, làm giảm các triệu chứng trào ngược. Tuy nhiên việc giảm cân bằng cách nhịn ăn vô tình làm tăng tình trạng acid dạ dày gây phản tác dụng. Việc ngưng hút thuốc lá cũng làm giảm triệu chứng trào ngược.
- Nhiều người có thói quen ăn tối muộn làm tăng thời gian tiếp xúc của thực quản với acid dạ dày so với bữa ăn tối sớm hơn. Nâng cao đầu giường khi ngủ cũng làm giảm thời gian tiếp xúc của thực quản với acid dạ dày.
- Đối với bệnh trào ngược dạ dày thực quản có biến chứng viêm thực quản, thực quản Barrett thì cần điều trị tích cực, theo dõi sát theo chỉ định của bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp.