Cột sống giúp nâng đỡ cơ thể và duy trì cân bằng. Khi mất đường cong sinh lý tự nhiên, cơ thể sẽ gặp nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Vậy nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này là gì?

Mất đường cong sinh lý cột sống là gì?
Cột sống không phải là một đường thẳng mà có các đường cong tự nhiên giúp phân bổ lực, giảm áp lực lên các đốt sống và tạo sự linh hoạt khi vận động. Các đường cong này bao gồm: đường cong cổ, ngực, thắt lưng và cùng cụt.
Bác sĩ giảng viên tại Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết mất đường cong sinh lý là hiện tượng cột sống bị thay đổi cấu trúc tự nhiên, khiến các đoạn cong bị duỗi thẳng hoặc cong quá mức. Điều này làm mất đi sự cân bằng tự nhiên của cột sống, ảnh hưởng đến tư thế, khả năng vận động và sức khỏe tổng thể. Tình trạng này có thể chia thành các dạng sau:
- Mất ưỡn cột sống cổ: Thường xảy ra khi người ta cúi đầu lâu (khi sử dụng điện thoại, làm việc với máy tính). Điều này khiến cổ duỗi thẳng hoặc cong ngược, gây đau vùng vai gáy, chóng mặt và ảnh hưởng tuần hoàn não.
- Gù lưng: Phần cột sống ngực cong quá mức về phía sau, làm lưng bị còng. Nguyên nhân chủ yếu là do ngồi sai tư thế, loãng xương hoặc các bệnh lý cột sống.
- Mất ưỡn cột sống thắt lưng: Đường cong thắt lưng bị phẳng hoặc cong ngược, gây đau lưng dưới. Thường gặp ở những người ít vận động hoặc có chấn thương cột sống.
- Ưỡn cột sống thắt lưng quá mức: Cột sống thắt lưng cong quá nhiều về phía trước, làm tăng áp lực lên vùng lưng dưới, thường gặp ở phụ nữ mang thai, người thừa cân, béo phì hoặc có cơ bụng yếu.
Khi mất đường cong sinh lý, cột sống phải chịu nhiều áp lực hơn, dẫn đến thoái hóa, chèn ép dây thần kinh và đau nhức mạn tính. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng.
Nguyên nhân gây mất đường cong sinh lý cột sống
Mất đường cong sinh lý cột sống có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm thói quen sinh hoạt không đúng cách, các vấn đề bệnh lý và các yếu tố tác động từ lối sống hàng ngày, cụ thể:
- Tư thế sai trong sinh hoạt: Ngồi cong lưng, cúi đầu hoặc ngồi lệch trong thời gian dài. Nằm sai tư thế (nằm sấp, gối quá cao). Đứng, đi lại không đúng cách, đẩy hông hoặc cong lưng.
- Thoái hóa cột sống và chấn thương: Thoái hóa, phình, thoát vị đĩa đệm hoặc gai cột sống làm mất độ cong tự nhiên. Chấn thương do tai nạn, té ngã hoặc chơi thể thao.
- Bệnh lý cột sống: Cong vẹo cột sống, gù lưng hoặc ưỡn cột sống quá mức. Loãng xương làm yếu đốt sống, dễ bị biến dạng. Bệnh viêm cột sống sinh khớp làm biến dạng đường cong sinh lý.
- Ít vận động: Khi cơ lưng và cơ bụng yếu do ít vận động, cột sống không được hỗ trợ đầy đủ, dễ dẫn đến mất đường cong sinh lý.
- Thừa cân, béo phì: Trọng lượng dư thừa gây áp lực lên cột sống, đặc biệt là vùng thắt lưng, làm thay đổi đường cong sinh lý và gây đau lưng.
- Yếu tố bẩm sinh, di truyền: Một số người có cấu trúc cột sống bất thường từ khi sinh ra hoặc có yếu tố di truyền ảnh hưởng đến hình dạng và độ cong của cột sống.
Vì vậy, việc nhận diện và điều chỉnh kịp thời những nguyên nhân này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mất đường cong sinh lý, bảo vệ sức khỏe cột sống và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cách khắc phục khi mất đường cong sinh lý cột sống
Mất đường cong sinh lý có thể được cải thiện tránh biến chứng bệnh cơ xương khớp nếu áp dụng các biện pháp phù hợp. Dưới đây là những phương pháp giúp khôi phục đường cong tự nhiên và giảm đau hiệu quả:
Điều chỉnh tư thế:
- Ngồi đúng cách: Lưng thẳng, vai thư giãn, đầu thẳng hàng với cột sống. Hạn chế ngồi lâu, nên đứng dậy vận động mỗi 30-45 phút.
- Đứng và đi đúng tư thế: Đứng thẳng, không ưỡn bụng hoặc cong lưng. Khi đi, giữ vai ngang và tránh cúi đầu.
- Tư thế ngủ hợp lý: Nằm ngửa hoặc nghiêng nhẹ với gối kê cổ, đảm bảo đầu, cổ và lưng thẳng hàng. Tránh gối quá cao hoặc nằm sấp.
Tăng cường cơ lưng và bụng:
- Bài tập kéo giãn cột sống: Các động tác yoga như tư thế rắn hổ mang, cây cầu giúp tăng độ linh hoạt và hỗ trợ đường cong sinh lý.
- Bài tập tăng cường cơ lưng, bụng: Các động tác như plank, nâng chân, squat giúp ổn định cột sống.
- Tập vật lý trị liệu: Các bài tập chuyên sâu dưới sự hướng dẫn của chuyên gia giúp phục hồi đường cong sinh lý hiệu quả.
Kiểm soát cân nặng và dinh dưỡng hợp lý:
- Duy trì cân nặng hợp lý để giảm áp lực lên cột sống.
- Tăng cường thực phẩm giàu canxi, vitamin D (sữa, cá hồi, trứng, rau xanh) để tăng cường sức khỏe xương.
- Uống đủ nước giúp đĩa đệm duy trì độ đàn hồi.

Sử dụng dụng cụ y tế hỗ trợ cột sống:
- Đai lưng chỉnh hình giúp giữ tư thế đúng, giảm áp lực lên cột sống.
- Gối nâng đỡ cổ và thắt lưng giúp duy trì đường cong sinh lý khi ngủ hoặc làm việc.
Thăm khám và điều trị theo phác đồ chuẩn y khoa:
- Nếu mất đường cong gây đau kéo dài hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận động, cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa.
- Điều trị có thể bao gồm vật lý trị liệu, nắn chỉnh cột sống, hoặc dùng thuốc giảm đau khi cần thiết. Trong trường hợp nặng, phẫu thuật có thể được xem xét.
Chuyên gia Cao đẳng Y khuyến cáo việc khắc phục mất đường cong sinh lý cột sống đòi hỏi sự kết hợp giữa điều chỉnh tư thế, tập luyện, kiểm soát cân nặng và điều trị y khoa khi cần thiết.