Bác sĩ Chu Hòa Sơn hiện đang công tác tại Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur nhận định, liệt nửa mặt (méo mồm) hay còn gọi là méo miệng hoặc liệt thần kinh số 7 ngoại biên. Chứng bệnh này có biểu hiện gia tăng khi thời tiết lạnh như hiện nay.
- Bệnh thoát vị đĩa đệm là bệnh gì?
- Lưu ý quan trọng trong bấm huyệt chữa bệnh
- Chữa bệnh đau thắt lưng bằng xoa bóp bấm huyệt
Nguy cơ tổn thương dây thần kinh số 7 chỉ vì thời tiết quá lạnh
Nguyên nhân chính gây liệt mặt ngoại biên là hội chứng tổn thương dây thần kinh số 7, làm giảm hoặc mất khả năng vận động các cơ mặt cũng như các cơ quan mà dây thần kinh số 7 chi phối. Liệt mặt ngoại biên thường xảy ra vào mùa lạnh (đông và xuân), không phân biệt tuổi tác, giới tính, nhưng những người cao tuổi có sức đề kháng kém là hay gặp nhiều nhất.
Biểu hiện khi bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7
Nói về nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7, Bác sĩ Chu Hòa Sơn cho biết, Liệt dây thần kinh số 7 xảy ra rất phổ biến trong mùa lạnh, gặp ở mọi lứa tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây liệt mặt, méo miệng, nhưng 75% là do lạnh đột ngột làm ảnh hưởng tới dây thần kinh số 7, gây liệt mặt ngoại biên.
Khi bị liệt dây thần kinh số 7, bệnh nhân thường có các biểu hiện cơ bản như liệt toàn bộ hoặc một phần cơ mặt, mờ nếp nhăn trên trán, má, mũi. Vì vậy, thường người bệnh vừa ngủ dậy và có thể tự mình phát hiện qua hoạt động vệ sinh buổi sáng như khó chải răng, khó súc miệng, khó ăn sáng nhất là khi soi gương thấy mất cân xứng nửa mặt, nhân trung, môi miệng xếch về một bên, không nhắm kín được mắt ở bên liệt, nét mặt mất sự linh hoạt hoặc không chúm môi được. Người bệnh phát hiện ra mình nói ngọng, khó nói, miệng khép không kín và chảy nhiều nước dãi, nước mắt chảy nhiều hơn bình thường. Một số trường hợp bị loạn vị giác (không nhận biết chua, cay…) hoặc bị rối loạn thính giác (nghe kém hẳn).
Liệt dây thần kinh số 7 tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây nhiều khó khăn cho người bệnh trong sinh hoạt, giao tiếp (do ngại giao tiếp do nói không được tốt), ăn, uống hàng ngày. Nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì tỷ lệ điều trị khỏi bệnh có thể lên đến 70 – 100%. Đối với những bệnh nhân nhẹ có thể hồi phục sau vài tuần, nếu nặng có thể vài tháng. Liệt dây thần kinh số 7 nếu không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách có thể để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, co giật nửa mặt. Một biến chứng nguy hiểm nhất mà Liệt dây thần kinh số 7 gây ra đó là viêm loét giác mạc do mắt không nhắm được, gây khô mắt, nhiễm trùng giác mạc dẫn đến viêm, loét giác mạc.
Bệnh nhân có thể điều trị khỏi bằng xoa bóp bấm huyệt
Cách điều trị và phòng Liệt dây thần kinh số 7
Khi có những biểu hiện của Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, bệnh nhân cần nhanh chóng đến gặp các Bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời. Việc điều trị sớm Liệt dây thần kinh số 7 sẽ mang lại hiệu quả điều trị tích cực đối với người bệnh. Tại các bệnh viện sẽ được điều trị khẩn trương vừa điều trị tây y (vitamin B1 liều cao, kháng viêm, thuốc giỏ mắt…), đồng thời kết hợp châm cứu và lý liệu pháp và xoa bóp bấm huyệt để nhanh chóng hồi phục lại những chức năng đã mất cho người bệnh.
Để hạn chế được chứng bệnh này, điều quan trọng nhất chính là hạn chế được gió lạnh đột ngột, cần đóng kín cửa để tránh gió lùa và không để không khí lạnh ở ngoài tràn vào phòng ngủ. Lúc ngủ, cơ thể phải được ấm từ đầu đến chân. Gia đình có điều kiện, mùa lạnh nên dùng máy điều hòa nóng, nhất là có trẻ nhỏ và người cao tuổi (tránh dùng bếp củi, bếp than sẽ rất dễ ngộ độc khí CO).
Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi cung cấp, bạn đã biết cách phòng tránh chứng Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên cho bản thân và gia đình một cách hiệu quả.
Nguồn: Benhlyxuongkhop.net