Hình ảnh quả chanh
1. Tên gọi
Tên khoa học: Citrus limonia Osbeck, Họ Cam – Rutaceae
Tên khác: chanh, mác cheng, má điêu, chứ hở câu, piều sui.
2. Đặc điểm thực vật và phân bố
Cây nhỡ, lá mọc sole, mép có khía răng cưa. Hoa trắng mọc riêng lẻ hoặc thành chùm 2-3 hoa. Quả hình cầu, vỏ quả mỏng, khi chín có màu vàng nhạt, vị chua. Có nhiều chủng loại chanh:
+ Chanh giấy: Vỏ quả mỏng, được trồng phổ biến
+ Chanh tứ thời: Quả có núm, vỏ dày.
+ Chanh đào: Vỏ quả vàng đỏ, ruột đỏ, vị thơm.
+ Chanh được trồng ở nhiều nơi trên thế giới: Các vùng Địa Trung Hải, Bắc Phi, Nam Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Đông Nam Á.
Theo thống kê của tổ chức FAO, năm 1988, sản lượng chanh trên toàn thế giới khoảng 6 triệu tấn/năm. Ở Đông Nam Á, nước sản xuất nhiều nhất là Thái Lan (53,600 tấn/năm)
3. Trồng trọt và thu hái
Trồng bằng hạt hoặc chiết cành. Sau 3 năm có thể thu hoạch. Năng suất 24,000kg/ha (Thái Lan). Sau khi thu hoạch cần bảo quản quả tốt và vận chuyển tới nơi tiêu thụ.
Mọi người thường dùng chanh để lấy quả, lá làm gia vị, cần làm thuốc có thể dùng quả, lá, rễ, thu hái quanh năm, dùng tươi hay khô.
4. Bộ phận dùng
- Dịch quả
- Tinh dầu vỏ quả – Oleum Citri
- Tinh dầu lá
5. Thành phần hoá học
Trong quả chanh có chứa: Acid hữu cơ (acid citric), Vitamin C, Các hợp chất Flavonoid (Citroflavonoid), Pectin, Tinh dầu (0,5% trong vỏ quả)
Lá có chứa tinh dầu 0,09-0,11%. Tinh dầu vỏ chanh là chất màu vàng nhạt, mùi thơm đặc biệt của chanh, vị đắng. Hàm lượng Citral 3-5%. Thành phần chủ yếu là limonen (90%).
Quả chanh có tác dụng gì?
Ở VN, Tinh dầu vỏ chanh được điều chế bằng phương pháp cất hoặc chiết bằng dung môi. Tinh dầu chanh VN có 28 thành phần: Trong đó có limonen (82%), citral (0,33%),…Tinh dầu lá chanh VN có chứa citral a (24,7%), citral b (6%), borneol (5%), linalol (2,5%),…
6. Công dụng
Dịch quả chanh: có thể pha chế thành thức uống, thông tiểu tiện, có tác dụng chữa bệnh tê thấp, dùng chữa bệnh scorbut của trẻ em mới đẻ, ở cả người lớn. Còn làm nguyên liệu chế axit citric thiên nhiên. Múi chanh phối hợp với muối ăn dùng ngậm chữa ho viêm họng. Sau khi gội đầu, vắt một ít nước chanh quả lên tóc có tác dụng làm trơn tóc.
Lá và ngọn chanh: lá thường dùng làm gia vị ăn với thịt gà, với ốc, nấu nước để xông chữa cảm cúm; lá và búp non chanh giã nát đắp lên rốn trẻ em chữa bí đái, đầy chướng bụng.
Rễ chanh: được dùng chữa ho dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với rễ dâu tằm. Liều dùng 6-12g.
Tinh dầu chanh và tinh dầu lá chanh: pha thuốc gội đầu, làm thơm các thuốc phiến, thuốc bột hay thuốc ngậm, kĩ nghệ pha chế, nước hoa.
Vỏ thân cây chanh: Được dùng là thuốc vị đắng giúp sự tiêu hóa. Liều dùng 4-10g dưới dạng thuốc sắc.
Hạt quả chanh: Có tác dụng làm thuốc tẩy giun.
Nguồn: benhlyxuongkhop.net tổng hợp