Bác sĩ Chu Hòa Sơn hiện đang công tác tại Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết: tâm thần phân liệt là một loại bệnh thần kinh nặng, với số lượng bệnh nhân mắc bệnh tăng nhanh trong thời gian qua, nhưng đa số những bệnh nhân này không biết mình bị bệnh.
- Chuyên gia chỉ ra nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần phân liệt ở người lớn
- Điểm danh thực phẩm dành riêng cho người mắc chứng tâm thần phân liệt
- Điểm danh 4 bệnh thần kinh sẽ di truyền từ đời này sang đời khác
Làm sao để biết bệnh nhân bị tâm thần phân liệt?
Nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt
Nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt vẫn là dấu hỏi lớn cho nền Y học hiện đại, các nhà khoa học mới chỉ tìm ra một số yếu tố nguy cơ cũng như các yếu tố phối hợp gây ra, các yếu tố đó như:
- Yếu tố di truyền: Bệnh tâm thần phân liệt có xu hướng di truyền cho những người thân trong gia đình. Thông thường tỷ lệ mắc là 1% dân số. Đặc biệt, nếu cha mẹ bị tâm thần phân liệt thì tỷ lệ mắc bệnh ở các con tăng đến 12%.
- Yếu tố sinh hóa của bản thân người bệnh: Vài chất hóa học trong não được cho là góp phần gây ra bệnh này, nhất là dopamine.
- Yếu tố gia đình: Tuy chưa có bằng chứng nào chứng minh yếu tố gia đình có ảnh hưởng đến bệnh tâm thần phân liệt nhưng cũng không loại trừ được yếu tố nguy cơ này.
- Yếu tố môi trường: Môi trường xung quanh quá nhiều sang chấn (stress) có thể góp phần thúc đẩy xuất hiện bệnh tâm thần phân liệt.
Nguyên nhân gây bệnh tâm thần phân liệt đến nay chưa được làm rõ
Dấu hiệu nhận biết bệnh tâm thần phân liệt
Dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt có thể khởi phát một cách từ từ hoặc đột ngột, không báo trước, một số dấu hiệu cơ bản nhận biết bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt cụ thể như sau:
Hoang tưởng: Đây là một trong những dấu hiệu điển hình của bệnh tâm thần phân liệt và các bệnh lý tâm thần kinh. Hoang tưởng được định nghĩa là những ý tưởng sai lầm, không phù hợp với thực tế, do bệnh tâm thần gây ra nhưng bệnh nhân lại cho là đúng, không thể giải thích hay phê phán được. Nội dung hoang tưởng rất đa dạng, thường gặp nhất là:
- Hoang tưởng tự cao: Ví dụ tưởng mình là tướng chỉ huy quân đội mặc dù chưa từng đi bộ đội. Bệnh nhân nghĩ rằng mình có thể chữa được các loại bệnh khó như ung thư dù họ chưa từng học ngành y.
- Hoang tưởng bị hại: Ví dụ bệnh nhân nghĩ rằng hàng xóm hay người trong gia đình đang tìm cách đầu độc mình.
- Hoang tưởng bị chi phối: Người bệnh nghĩ rằng có một thế lực vô hình nào đó đang kiểm soát mọi suy nghĩ hay hành động của mình.
Bệnh nhân tâm thần phân liệt thường xuất hiện ảo thanh
Ảo thanh: cũng là một trong những dấu hiệu nhằm xác định chứng bệnh tâm thần phân liệt. Ảo thanh là hiện tượng người bệnh nghe một hay nhiều giọng nói tưởng tượng vang lên trong đầu hay bên tai. Nội dung của ảo thanh thường là đe dọa, buộc tội, chửi bới hay nhạo báng. Họ sẽ có một số phản ứng tùy theo nội dung của ảo thanh. Chẳng hạn, họ sẽ bịt tai khi nghe thấy ảo thanh là chửi bới. Bệnh nhân sẽ có hành vi tự vệ nếu nội dung của ảo thanh là đe doạ, thậm chí có thể giết người mà nghĩ là đang tự vệ. Ngoài hai biểu hiện cơ bản trên, bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt còn có thể xuất hiện các biểu hiện khác như:
- Không nhận thức được bản thân bị bệnh
- Cách ly xã hội
- Giảm sự biểu lộ tình cảm
- Rối loạn khả năng suy nghĩ
- Mất ý muốn làm việc
Một điều nguy hiểm đó là đa số bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt không định hình được mình mắc bệnh, nên việc đi khám và điều trị vô cùng khó khăn. Chính vì thể khi bạn thấy người thân hay những người xung quanh mình có những dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt thì hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở Y tế gần nhất để được khám và điều trị.
Nguồn: Benhlyxuongkhop.net