Nguyên nhân gây Đái tháo đường Type 1, Type 2 và Đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường là căn bệnh chuyển hóa gây nhiều biến chứng nguy hiểm, hiểu rõ được nguyên nhân gây bệnh giúp bạn phòng tránh chúng một cách hiệu quả.

Đánh giá: 1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (1 đánh giá, trung bình: 5,00 trong tổng số 5)
Loading...

Bệnh Tiểu đường hay còn gọi là bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh thuộc nhóm bệnh chuyển hóa gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân gây Đái tháo đường có thể do yếu tố di truyền, lối sống, sức khỏe, yếu tố môi trường, khiến cơ thể bạn rơi vào tình trạng thiếu hụt insuin tuyệt đối ở type 1; hoặc thiếu hụt insuin tương đối, hay đề kháng insulin hoặc cả hai ở type 2.

Nguyên nhân gây Đái tháo đường

Nguyên nhân gây Đái tháo đường 

Insulin là một Hormon tuyến tụy, giúp vận chuyển đường từ máu vào trong tế bào tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động. Bệnh Đái tháo đường đặc trưng bởi nồng độ đường (glucose) trong máu tăng cao kéo dài gây nhiều biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe của người bệnh. Bình thường sau khi ăn lượng glucose máu tăng lên, tuyến tuỵ sẽ tiết insulin để giữ đường huyết luôn duy trì ở mức ổn định. Ở bệnh nhân tiểu đường, sự thiếu hụt insulin hoặc đề kháng insulin là nguyên nhân chính khiến lượng đường huyết tăng cao.

Đái tháo đường gồm có 3 loại chính là tiểu đường type 1, tiểu đường type 2 và tiểu đường thai kỳ. Sau đây là những Nguyên nhân gây Đái tháo đường hay gặp:

Nguyên nhân gây Đái tháo đường type 1

Đái tháo đường type1 (còn được gọi là Đái tháo đường phụ thuộc insulin) chiếm khoảng 10% tổng số bệnh nhân mắc Đái tháo đường, Đái tháo đường type 1 xảy ra khi tế bào bêta của tuyến tụy bị tổn thương và mất khả năng tiết insulin, gây thiếu insulin tuyệt đối, đây cũng là Nguyên nhân gây Đái tháo đường khiến bệnh nhân bắt buộc phải sử dụng in sulin đưa từ bên ngoài cơ thể vào suốt đời.

Tế bào bêta tuyến tụy bị tổn thương trong tiểu đường type1 thường có liên quan đến yếu tố di truyền, môi trường và cơ chế tự miễn dịch của cơ thể. Những người mang kháng nguyên HLA (human leucocyte antigen – kháng nguyên bạch cầu ở người) loại B8, B15, DR3, DR4 sẽ có nguy cơ mắc Đái tháo đường type1 cao hơn so với những đối tượng khác. Khi đó, chỉ cần sự tấn công từ các bất lợi ở môi trường bên ngoài (ví dụ như virut quai bị, sởi, virut coxsakie B4 và B5, retro virut loại C hay các hóa chất có hại trong thực phẩm…) gây ra những tổn thương dù rất nhỏ cho tế bào bêta, cũng sẽ làm giải phóng ra các kháng nguyên và kích thích cơ thể sinh ra tự kháng thể, gây phản ứng viêm tiểu đảo tụy tự miễn, phản ứng này gây tổn thương và phá hủy nhiều đảo tụy khiến quá trình tiết Insulin bị rối loạn.

Bệnh Đái tháo đường gây rất nhiều biến chứng nguy hiểm

Bệnh Đái tháo đường gây rất nhiều biến chứng nguy hiểm

Đái tháo đường type1 thường xuất hiện ở những người trẻ có độ tuổi dưới 40, với bệnh khởi phát đột ngột và cấp tính. Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là tiểu nhiều, khát nhiều, sút cân xuất hiện một cách rầm rộ và bệnh nhân thường có thể trạng gầy.

Nguyên nhân gây Đái tháo đường type 2

Khác với Đái tháo đường type1, Đái tháo đường type2 xuất hiện khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, hoặc có đủ Insulin nhưng chúng lại hoạt động không hiệu quả (còn gọi là đề kháng insulin), hoặc kết hợp cả hai. Đái tháo đường type 2 chiếm tới 90% tổng số bệnh nhân mắc chứng bệnh này, nguyên nhân chủ là do bệnh nhân ăn quá nhiều chất béo, chất đường và ít vận động thể lực.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng đang công tác tại Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, nguyên nhân gây bệnh Đái tháo đường type 2 chủ yếu do dinh dưỡng và lối sống không lành mạnh gây nên.

Bệnh Đái tháo đường type 2 được điều trị bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống cũng như chế độ luyện tập thể dục và sử dụng thuốc hạ đường huyết để glucose máu trở về bình thường. Rất nhiều các nghiên cứu đã chỉ ra, các hoạt chất sinh học tự nhiên có trong các loại thảo dược, chẳng hạn như Mạch môn, Hoài sơn, Câu kỷ tử, Nhàu … đều rất hữu ích trong việc ổn định đường huyết.

Nguyên nhân gây Đái tháo đường thai kỳ

Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng tăng đường huyết chỉ xảy ra trong giai đoạn mang thai. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này chính là do thay đổi lượng hormone khi mang thai làm giảm sự nhạy cảm của cơ thể của insulin đối với tế bào, từ đó gây tăng đường huyết và gây Đái tháo đường thai kỳ.

Bệnh Đái tháo đường có thể điều chỉnh bằng chế độ ăn cũng như chế độ sinh hoạt

Bệnh Đái tháo đường có thể điều chỉnh bằng chế độ ăn cũng như chế độ sinh hoạt

Đái tháo đường thai kỳ có thể được kiểm soát bằng chế độ ăn uống khoa học cũng như một chế độ luyện tập hợp lý. Nếu mức đường huyết vẫn tăng cao, người mẹ cần được sử dụng Insulin để kiểm soát đường huyết. Bình thường tiểu đường thai kỳ sẽ tự hết sau khi sinh, nhưng cũng có nhiều trường hợp tiến triển thành Đái tháo đường type2.

Một số Nguyên nhân gây Đái tháo đường khác hay gặp

Ngoài những nguyên nhân phổ biến ở trên, còn có nhiều yếu tố nguy cơ tiềm tàng khác có thể gây bệnh Đái tháo đường, bao gồm:

  • Bệnh nhân mắc các bệnh lý nội khoa ở tụy: viêm tụy, ung thư tuyến tụy.
  • Bệnh nhân mắc các bệnh nội tiết như: hội chứng cushing, tăng tiết GH, cường sản hoặc u tủy thượng thận, Basedow… có thể gây rối loạn chuyển hóa gây tăng đường huyết quá mức.
  • Bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc điều trị kéo dài như: thuốc lợi tiểu thải kali, thuốc tránh thai, thuốc hormon tuyến giáp… cũng khiến mức đường huyết tăng cao.

Có rất nhiều nguyên nhân cũng như yếu tố có thể khiến bạn mắc bệnh Đái tháo đường nhưng yếu tố lối sống cũng như chế độ ăn có thể thay đổi được. Vì vậy, bạn hãy chủ động bảo vệ sức khỏe của mình ngay từ bây giờ để phòng ngừa bệnh Đái tháo đường một cách hiệu quả.

Nguồn: Benhcoxuongkhop.net

Tin liên quan

Tin khác

Tin mới