Nhận biết bệnh viêm tai giữa cấp, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm tai giữa cấp (VTGC) là tình trạng viêm ở tai giữa kéo dài dưới 3 tuần với một hay nhiều dấu hiệu và triệu chứng cấp tính tại chỗ hoặc toàn thân của sự.

Đánh giá: 1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (1 đánh giá, trung bình: 5,00 trong tổng số 5)
Loading...

Viêm tai giữa cấp (VTGC) là tình trạng viêm ở tai giữa kéo dài dưới 3 tuần với một hay nhiều dấu hiệu và triệu chứng cấp tính tại chỗ hoặc toàn thân của sự viêm nhiễm trong tai giữa như đau tai, chảy dịch tai, sốt, biếng ăn, nôn ói hoặc tiêu chảy.

Vậy viêm tai giữa có nguy hiểm không ? Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng gì ? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur để cùng tìm hiểu nguyên nhân cũng như biện pháp điều trị căn bệnh này ở trẻ. Hãy cùng theo dõi cuộc trò chuyện này nhé !

Bệnh viêm tai giữa cấp ở trẻ em

Hỏi: Thưa Bác sĩ, Bác sĩ có thể cho biết viêm tai giữa cấp được phân loại như thế nào và các yếu tố nào gợi ý bệnh nhân bị viêm tai giữa cấp?

Trả lời:

Viêm tai giữa cấp được chia thành 2 loại đó là viêm tai giữa cấp không ứ dịch (không có dịch tiết trong hòm nhĩ) và viêm tai giữa cấp ứ dịch (có dịch tiết trong hòm nhĩ).

Những yếu tố nguy cơ sau đây gợi ý bệnh nhân bị viêm tai giữa cấp:

Yếu tố dịch tễ: Trẻ từ 3 tháng đến 18 tháng tuổi thường xảy ra nhiều nhất. Thường xảy ra mùa lạnh hay mùa mưa.

Tiền sử: viêm nhiễm hô hấp trên kéo dài hay tái phát nhiều lần.

Bệnh sử có các triệu chứng chính là đau tai, chảy dịch tai. Các triệu chứng không đặc hiệu như sốt, biếng ăn, nôn ói hoặc tiêu chảy thường thấy ở nhóm trẻ nhũ nhi. Trẻ lớn có thể mô tả dấu hiệu đau tai, dụi tai, ù tai, giảm thính lực. Những triệu chứng ít gặp hơn như ù tai, chóng mặt, sưng sau tai, liệt mặt ngoại biên.

Hỏi: Những nguyên nhân gây viêm tai giữa cấp ?

Trả lời:

Viêm tai giữa cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là từ 3 đến 18 tháng tuổi. Thường do nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như viêm họng, viêm amidan, viêm VA đặc biệt là sởi, cúm, ho gà, bạch hầu,…

Hỏi: Các dấu nhận biết viêm tai giữa cấp? Trong trường hợp này cần làm các xét nghiệm cận lâm sàng gì?

Trả lời:

Khám lâm sàng 2 bên tai thấy:

Tình trạng ống tai ngoài: bình thường.

Tình trạng màng nhĩ: đỏ, sung huyết, kém di động, các mốc giải phẫu không thấy rõ, mất tam giác sáng. Có thể thấy mức khí dịch hoặc màng nhĩ bị hút lõm.

Các cận lâm sàng cần làm:

Công thức máu: xác định tình trạng nhiễm trùng.

CT scan xương thái dương nếu có biến chứng.

Nhĩ lượng đồ: để theo dõi sau khi điều trị xem còn tụ dịch trong hòm nhĩ không.

Thính lực đồ thường không cần thiết trong giai đoạn VTG cấp.

Hỏi: Vậy bệnh được chẩn đoán xác định khi nào và được điều trị ra sao?

Nguyên tắc điều trị bệnh viêm tai giữa cấp như thế nào?

Trả lời:

Chẩn đoán xác định khi tiền sử có viêm hô hấp trên. Bệnh sử có sốt, đau tai. Khám tai thấy có tổn thương màng nhĩ.

Nguyên tắc điều trị: Kháng sinh, giảm viêm, giảm triệu chứng và giảm nguy cơ biến chứng.

Điều trị cụ thể:

Kháng sinh: Amoxicillin 60-90 mg/kg chia 3 lần/ngày, sau 72h nếu đáp ứng thì tiếp tục 7-14 ngày. Nếu không đáp ứng thì đổi Amoxicillin-Clavulanic acid hay Cefuroxim trong 14 ngày. Nếu dị ứng β-lactam, dùng Erythromycin, Azithromycin hoặc Clarithromycin trong 14 ngày. Giảm đau hạ sốt bằng Acetaminophen 10-15 mg/kg mỗi 4-6h.

Nhập viện khi xuất hiện biến chứng tại xương thái dương hoặc nội sọ.

Hướng dẫn chăm sóc và theo dõi tại nhà: Vệ sinh mũi họng, hút rửa mũi (trẻ nhỏ), xì mũi đúng cách (trẻ lớn). Theo dõi dấu hiệu sinh tồn (nhiệt độ), tri giác (dấu hiệu lừ đừ, quấy khóc…). Hẹn tái khám sau 72 giờ.

Dấu hiệu nặng cần đi khám ngay: Sưng đau sau tai, chảy mủ tai, giảm thính lực nhiều như ù đặc tai ở trẻ lớn, liệt mặt, nhức đầu kèm nôn ói, rối loạn tri giác.

Hỏi: Viêm tai giữa cấp có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nào?

Trả lời:

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thì viêm tai giữa cấp có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm chẳng hạn như:

Viêm tai xương chũm.

Viêm tai giữa mạn tính.

Các biến chứng nội sọ như viêm màng não, áp xe não.

Các biến chứng mạch máu viêm tắc tĩnh mạch bên.

Hỏi: Vậy để phòng ngừa viêm tai giữa cấp chúng ta cần làm gì?

Trả lời:

Để phòng ngừa viêm tai giữa cấp chúng ta cần đề phòng viêm đường hô hấp trên, giữ vệ sinh mũi. Điều trị triệt để tình trạng viêm hô hấp trên, nhất là sổ mũi, ngạt mũi. Rèn luyện thân thể nâng cao sức đề kháng. Dinh dưỡng đầy đủ, đúng cách (không để suy dinh dưỡng hay béo phì). Vệ sinh môi trường sống, tránh bụi, sử dụng điều hòa nhiệt độ đúng cách.

Viêm tai giữa cấp ở trẻ gây ra nhiều mối nguy hại khôn lường trước được nếu bệnh không được điều trị kịp thời. Phòng ngừa đúng cách là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn nguy cơ do viêm tai giữa cấp gây ra.

Hy vọng với những chia sẻ trên của Bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur chúng ta đã biết được nguyên nhân, triệu chứng nhận dạng bệnh cũng như phương pháp điều trị khi trẻ bị viêm tai giữa cấp, nhất là biện pháp phòng ngừa.

Nguồn: benhlyxuongkhop.net

Tin liên quan

Tin khác

Tin mới