Bệnh thoái hóa khớp là tình trạng thoái hóa của sụn khớp và đĩa đệm, lượng dịch trong khớp giảm kèm theo phản ứng viêm. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi.

Bệnh thoái hóa khớp là gi ?

Đây là tình trạng tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn, kèm theo phản ứng viêm, giảm thiểu lượng dịch khớp. Các sụn khớp là các cấu trúc che phủ bề mặt của xương có tác dụng che chắn và đóng vai trò như miếng đệm giữa các xương. Bệnh thoái hóa khớp hay còn gọi là viêm khớp thoái hóa là tổn thương thường gặp nhất trong hơn 100 loại tổn thương viêm khớp khác nhau.

Nguyên nhân gây ra bệnh thoái hóa khớp

Sự lão hóa

Cơ thể con gười chúng ta có cơ chế tế bào sụn liên tục được sinh sản và tái tạo. Nhưng khi trưởng thành các tế bào sụn bắt đầu không có khả năng sinh sản và tái tạo cùng với đó là sự lão hóa của cơ thể.

Dần dần các tế bào sụn cũng giảm chức năng tổng hợp chất tạo nên sợi colagen và mucopolysacarit khiến cho chất lượng sụn kém dần nhất là tính đàn hồi và chịu lực.

Ngoài ra thoái hóa khớp là quy luật tự nhiên, ai cũng sẽ gặp phải. Tuy nhiên, tùy vào cơ địa, thói quen sinh hoạt, chất lượng cuộc sống mà sự thoái hóa đến sớm hay muộn.

Do vận động

Đây yếu tố gây thoái hóa khớp nhanh hơn bình thường. Yếu tố vận động thể hiện bằng sự tăng bất thường lực nén trên một đơn vị diện tích của mặt khớp và đĩa đệm là yếu tố chủ yếu trong thoái hóa khớp thứ phát bao gồm:

Các dị dạng bẩm sinh làm thay đổi diện tỳ nén bình thường của khớp và cột sống.

Biến dạng sau chấn thương, u, loạn sản, làm thay đổi mối tương quan, hình thái của khớp và cột sống.

Việc tăng tải trọng do tăng cân quá mức do béo phì và tăng tải trọng do nghề nghiệp…

Các yếu tố khác

Di truyền: cơ địa già sớm.

Nội tiết: tuổi mãn kinh, đái tháo đường, loãng xương do nội tiết.

Chuyển hóa: bệnh gout, bệnh da sạm màu nâu.

Biểu hiện của thoái hóa khớp

Đau khớp

Người bị thoái hóa khớp thường bị đau khớp gối, đau khớp ngón tay, đau khớp háng,… Đôi khi kèm theo triệu chứng cứng khớp. Cơn đau thường đau âm ỉ, có khi thành cơn đau cấp sau khi vận động ở tư thế bất lợi.

Hạn chế vận động

Khi các khớp và cột sống bị thoái hóa, khả năng vận động sẽ bị hạn một phần, có khi hạn chế nhiều do phản xạ co cứng cơ kèm theo. Bệnh nhân có thể không làm được một số động tác như không quay được cổ, không cúi được sát đất, một số bệnh nhân có dấu hiệu phá gỉ khớp.

Biến dạng khớp

Thường không biến dạng nhiều như trong các bệnh khớp khác, biến dạng trong khớp do mọc gai xương, do lệch trục khớp hoặc thoát vị màng hoạt dịch.

Triệu chứng khác

Thoái hóa khớp còn có biểu hiện như teo cơ khi ít vận động, có tiếng lạo xạo khi khớp cử động, vùng khớp bị tổn thương sưng to do tràn dịch khớp.

Cách phòng tránh bệnh thoái hóa khớp

Kiểm soát trọng lượng cơ thể

Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ thích hợp, tránh dư cân béo phì.

Tập vận động thường xuyên và vừa sức

Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao vừa sức sẽ giúp cơ bắp khỏe mạnh, máu huyết lưu thông dễ dàng. Đó là yếu tố giúp tăng cường dinh dưỡng cho lớp sụn khớp. Cơ bắp khỏe mạnh sẽ giúp giảm lực đè ép lên khớp xương và giảm khả năng té ngã trong sinh hoạt và lao động.

Giữ tư thế cơ thể luôn thẳng và cân bằng

Tư thế tốt sẽ giúp bảo vệ các khớp tránh sự đè ép không cân đối. Ở tư thế thẳng sinh lý, diện tích tiếp xúc giữa hai mặt khớp sẽ đạt mức tối đa vì thế lực đè ép sẽ tối thiểu. Hơn nữa, khi đó sẽ có sự cân bằng lực giữa các dây chằng và cơ bắp quanh khớp, giúp giảm bớt nhiều nhất lực đè ép lên hai mặt sụn khớp.

Làm việc đảm bảo an toàn sức khỏe

khi nâng hay xách đồ nặng, bạn cần chú ý sử dụng lực cơ của các khớp lớn như ở tay và khớp vai, khớp khuỷu; ở chân là khớp háng, khớp gối. Khéo léo sử dụng nguyên tắc đòn bẩy ở những khớp lớn để tránh làm tổn thương các khớp nhỏ như cổ tay, cổ chân, bàn tay, bàn chân và nên tận dụng thêm sự hỗ trợ (của dụng cụ hay người khác).

Giữ nhịp sống thoải mái và thường xuyên thay đổi tư thế

Bạn nên sắp xếp công việc hợp lý, hài hòa giữa nghỉ ngơi và lao động. Không nên lặp đi lặp lại một công việc hay tư thế làm việc kéo dài quá sức chịu đựng của cơ thể. Lực tác động không lớn nhưng nếu lặp đi lặp lại trong thời gian quá dài sẽ làm tổn thương khớp.

Cấu tạo và chức năng của xương khớp

Thấu hiểu cấu tạo và chức năng của xương khớp trong cơ thể chính là chìa khóa giúp bản thân khỏe mạnh hơn và phòng tránh được nguy cơ bệnh tật mỗi ngày.

Làm gì để kiểm soát cơn đau khớp sau tết

Sau tết các bệnh nhân mắc bệnh xương khớp phải chịu những cơn đau, tê cứng do chính thói quen ăn uống, sinh hoạt bất hợp lý khiến bệnh trở nên nặng hơn.